THƯ VIỆN TRA CỨU THÔNG TIN THUỐC ONLINE
LEXICOMP
1. GIỚI THIỆU THƯ VIỆN
Lexicomp là một thư viện tham khảo các thông tin lâm sàng được ra đời vào năm 1978, tại Hoa Kỳ. Trong quá trình phát triển, Lexicomp đã hợp tác với các hiệp hội lớn như Hiệp hội Dược sĩ Hoa Kỳ (AphA) và Hiệp hội Dược sĩ Hệ thống Y tế Hoa Kỳ (ASHP)… Năm 2006, ứng dụng Lexicomp trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng ra đời. Chỉ trong một tháng, ứng dụng đạt trên 4 triệu lượt tải về. Năm 2011, Lexicomp được mua lại bởi công ty Wolters Kluwer – một công ty đã từng đạt giải thưởng của Frost & Sullivan trong ngành hỗ trợ thông tin lâm sàng y học ở Bắc Mỹ năm 2021.
Lexicomp ra đời với hi vọng giúp cho bác sĩ, dược sĩ trong bệnh viện và nhà thuốc có những quyết định đúng đắn trong việc sử dụng thuốc trên từng bệnh nhân, kể cả trên các đối tượng đặc biệt như bệnh nhân béo phì, suy gan, suy thận…Lexicomp cùng với Uptodate là các ứng dụng tìm kiếm thông tin đáng tin cậy và phổ biến của Wolters Kluwer.
Theo thống kê, có 98% người dùng đánh giá hài lòng về nội dung trên Lexicomp, 92% người dùng giảm thiểu được sai sót về thuốc khi sử dụng Lexicomp, 98% khách hàng cho biết Lexicomp giúp họ tiết kiệm thời gian trong việc tra cứu.
Ưu điểm:
– Tích hợp được nhiều nguồn thông tin trong cùng 1 app.
– Thông tin được lưu trữ trên app, có thể tra cứu thông tin mọi lúc mọi nơi mà không cần có mạng Internet.
– Có lưu trữ lịch sử tìm kiếm, người dùng có thể xem lại ngay mà không cần tìm kiếm lại.
– Đa dạng về mặt ngôn ngữ.
– Lexicomp tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau
– Có thể sử dụng trên cả hệ điều hành Android và IOS. Tiện dụng có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi.
Khuyết điểm:
– Ít thông tin có ngôn ngữ tiếng Việt.
– Cần tải thông tin về mới có thể tra cứu tuy nhiên không tốn nhiều dung lượng.
– Đôi lúc tốc độ chạy hơi chậm
2. TÍNH NĂNG
Lexicomp tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau (AHFS, A to Z Drugs, Facts & Comparison Martindale). Cung cấp các thông tin tóm tắt và đánh giá các chứng cứ từ các nghiên cứu. Lexicomp được xem như một cuốn dược điển, cung cấp đầy đủ từ các thông tin về thuốc đến các hướng dẫn điều trị, các cập nhật mới từ các hiệp hội y khoa nổi tiếng trên thế giới.
Lexicomp chứa hơn 25 mục, bao gồm:
- 6 nguồn chuyên khảo về thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn
- 2 cuốn sách chuyên khảo quốc tế và các cuốn sách đơn lẻ tập trung vào chuyên khảo về thảo dược, giáo dục bệnh nhân cho người lớn và trẻ em, mang thai và cho con bú, độc chất học, thuốc, dị ứng, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và chẩn đoán, và dược lý học.
- Các công cụ tương tác bao gồm công cụ nhận dạng thuốc viên, công cụ tương tác thuốc uống và thuốc bôi, hơn 100 công thức tính toán chỉ số lâm sàng
- Tra cứu tương tác thuốc và tương kỵ trong thuốc tiêm.
2.1. Thư viện (Cơ sở dữ liệu)
Trong thư viện có gần 20 chuyên đề, bao gồm:
2.1.1. Lexi-Drugs
Thông tin trong mục Lexi-Drugs cung cấp các thông tin chuyên sâu như: phản ứng bất lợi, cách phát âm, tên biệt dược ở Canada, liều, cảnh báo từ FDA, vấn đề an toàn về thuốc, dược động học, dược lực học và các tên thuốc khác trên hơn 100 quốc gia. Lexi-Drugs cung cấp thông tin trên mọi đối tượng bệnh nhân cũng như các thông tin lâm sàng chuyên khoa: Dược, điều dưỡng, dược, điều dưỡng, khoa nội, tim mạch, ung thư, tâm thần, gây mê và nha khoa.
2.1.2. Drugs Allergy and Idiosyncratic Reactions (Dị ứng thuốc và các phản ứng đặc ứng)
Dị ứng thuốc và các phản ứng đặc ứng được đề cập theo nhóm thuốc, các lưu ý, xử trí khi bệnh nhân bị dị ứng… Thông tin được tổng hợp dựa trên các nghiên cứu và thực tế lâm sàng cung cấp cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về các khái niệm, cơ chế của dị ứng thuốc. Thêm vào đó, chủ đề này còn bao gồm thông tin về các phản ứng đặc ứng, là loại phản ứng thường bị nhầm lẫn với dị ứng thuốc về biểu hiện lâm sàng và các báo cáo ca bệnh. Điều này giúp bác sĩ giải quyết được những vấn đề liên quan đến dị ứng mà khó giải thích trên lâm sàng.
2.1.3. Dental Lexi-Drugs (Thuốc chuyên khoa nha)
Dental Lexi-Drugs được thiết kế nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các chuyên gia nha khoa về các loại thuốc kê đơn, OTC và các sản phẩm thảo dược. Chuyên mục này cũng bao gồm các thông tin về thuốc được sắp xếp theo alphabe, thông tin về các sản phẩm thảo dược, tự nhiên, các nhóm dược lý, cảnh báo, mẫu kê đơn, điều kiện sử dụng thuốc đường uống, các thông tin dưới dạng bảng và biểu đồ, tên biệt dược trên các quốc gia.
2.1.4. Infectious Diseases (Triệu chứng nhiễm trùng)
Cung cấp thông tin trong chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng, bao gồm triệu chứng, cơ chế, xét nghiệm chẩn đoán, phân biệt và các liệu pháp điều trị nhiễm trùng.
Tương tự các mục khác, mục này cũng chứa các thông tin về cảnh báo, phân nhóm dược lý, thông tin kê đơn và tiếp cận điều trị, các dạng hình và bảng, các chủ đề cần lưu ý. Ngoài ra còn có thông tin về các loại vi khuẩn, vi nấm.
2.1.5. Pediatric and Neonatal Lexi-Drugs (Thuốc dùng cho trẻ em và sơ sinh)
Các thông tin bao gồm liều dùng khuyến cáo, dựa trên những nghiên cứu trên đối tượng trẻ em. Gồm có hơn 1.100 thuốc, hơn 60 sách chuyên khảo về liều sử dụng trên trẻ em và trẻ sơ sinh.
2.1.6. Nursing Lexi-Drugs
Mục này dành cho điều dưỡng, chuyên đề này tương tự các chuyên đề khác cũng bao gồm thuốc, phân nhóm dược lý, cảnh báo đặc biệt và thông tin chủ đề theo bảng, biểu đồ, hình. Đặc biệt trong chuyên đề này có phân loại các thuốc cần kiểm soát theo cấp bậc II, III, IV, V và thông tin đầy đủ về các thuốc đó.
2.1.7. Lab Test and Diagnostic Procedures
Chuyên mục này cung cấp thông tin về các xét nghiệm, các chỉ số, tóm tắt và thông tin về các chỉ số này, giá trị liên quan đến chẩn đoán. Ví dụ như: HbA1c, IgM, IgG… Đây là một trong những thông tin khác biệt của Lexicomp so với các thư viện khác
2.1.8. Oral Soft Tissue Diseases
Chuyên mục này thông tin về thuốc, mẫu kê đơn và các triệu chứng liên quan đến mô mềm. Ví dụ như: bạch tạng, đỏ da, phồng rộp/bong tróc da, sắc tố lạ trên da, loét, sưng vùng mặt và cổ…
2.1.9. Patient Education (Adult Medication; Natural Products; Pediatric Medication; Disease and Procedure): Giáo dục bệnh nhân
Chuyên mục này bao gồm các thông tin thuốc cho người lớn, trẻ em, các sản phẩm từ tự nhiên, triệu chứng và liệu trình điều trị. Khác với các chuyên mục khác, các thông tin được trình bày dưới dạng trả lời câu hỏi như sản phẩm này dùng cho? Các triệu chứng khi dùng thuốc? Cần xem xét về vấn đề gì? Khi nào cần gọi cho bác sĩ để tư vấn? Những điều cần biết và cần làm trong suốt quá trình sử dụng thuốc?… Trong mục triệu chứng và liệu trình điều trị, còn có các thông tin hướng dẫn lối sống, hướng dẫn liệu trình điều trị bao gồm cả việc khi nào chấm dứt đợt điều trị. Ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, thông tin đ ược liệt kê rõ ràng đầy đủ, có trình bày dưới dạng hình ảnh để tăng tính sinh động.
2.1.10. Lexi-Tox
Chuyên mục này cung cấp thông tin về các chất độc, cách giải độc. Đây cũng là một chuyên mục đặc biệt của Lexicomp so với các thư viện khác. Ngoài việc phân loại thuốc theo nhóm dược lý, mục này còn cung cấp các CAS number của thuốc.
2.1.11. Household Database
Tên đề mục đã nói lên nội dung chính của phần này là nói về các sản phẩm sử dụng trong nhà ví dụ như: thuốc xịt trị ve cho chó, tinh dầu xông, Các thông tin chi tiết bao gồm: Thành phần, nhà sản xuất, dạng dùng, cấp cứu, cách sử dụng, cảnh báo, thải bỏ như thế nào, ảnh hưởng cấp và mạn đến sức khỏe, các chỉ số đánh giá…
2.1.12. Natural Products Database
Các thông tin về các sản phẩm từ tự nhiên bao gồm: tên, cách sử dụng, liều dùng, các phản ứng bất lợi…Tương tự các mục khác, chuyên mục này cũng gồm thông tin dạng văn bản và dang bảng biểu hình ảnh.
2.1.13. Facts and Comparisons REMS
Chuyên mục này cung cấp các thông tin về chiến lược đánh giá và giảm thiểu nguy cơ (REMS) của thuốc bao gồm: tên thuốc, thông tin về các chấp thuận của FDA, khuyến cáo kê đơn, khuyến cáo về thuốc, giới hạn thời gian sử dụng thuốc, pha chế, các bằng chứng lâm sàng liên quan…
2.1.14. Facts and Comparisons Off-label
Đây là một chuyên đề đặc biệt hữu ích của Lexicomp nói về việc kê đơn Off-label. Lexicomp cung cấp các mức chứng cứ theo Alphabe, cơ sở lý luận, các trích dẫn từ các hướng dẫn điều trị, các bài review hay các nghiên cứu lâm sàng lớn có đối chứng và các tài liệu có thể tham khảo về các chỉ định off-label.
2.1.15. Stony Brook University Hospital Formulary (Danh mục của Bệnh viện Đại học Stony Brook)
Trường Đại học Stony Brook (SBU) là một trường đại học nghiên cứu công lập về y tế tại tiểu bang New York của Mỹ. Trong chuyên mục này, Lexicomp cung cấp các thông tin về thuốc trong danh mục nghiên cứu của trường bao gồm: Thuốc, phân loại theo nhóm dược lý, chủ đề đặc biệt và bảng tóm tắt, thông tin kê đơn, các hạn chế và liệu pháp thay thế…
2.2. Interaction (Tương tác)
Mục này giúp cho người dùng có thể tra cứu tương tác thuốc. Điểm đặc biệt là có thể tra cứu tương tác kèm với dị ứng của người bệnh (nếu có). Khi tra cứu tương tác, Lexicomp cung cấp thông tin tóm tắt, cách xử trí tương tác và các nghiên cứu, bằng chứng, cơ chế để giải thích cho tương tác tìm được.
2.3. Drug ID
Drug ID của Lexicomp cho phép người dùng tra cứu tên thuốc dựa trên hình dạng, màu sắc, dạng bào chế.
2.4. Calculators (Máy tính)
Đây là công cụ hỗ trợ tính toán liều dùng của thuốc, kết quả xét nghiêm, tính toán các chỉ số dựa trên công thức đã có. Có thể sử dụng trên 2 giao diện sắp xếp theo alphabe hoặc là sắp xếp theo chuyên ngành.
Đối với thuốc, công cụ này hỗ trợ tính liều dựa trên từng cá thể bệnh nhân như chiều cao, cân nặng, tuổi, chức năng gan thận… Một số chỉ số xét nghiệm có thể tính toán như BMI, Anion gap, CrCl,… Ngoài việc cung cấp kết quả tính toán, Lexicomp còn cung cấp thêm thông tin về công thức tính, ý nghĩa của kết quả thu được, và giải thích các biến có trong công thức tính một cách cụ thể và có bằng chứng tài liệu kèm theo.
2.5. Tương kỵ trong thuốc tiêm
Mục này cho phép người dùng tra cứu tương kỵ, tương hợp trong sử dụng thuốc tiêm, tiêm truyền tĩnh mạch giữa thuốc – thuốc, thuốc – dung môi. Kết quả cung cấp bao gồm xảy ra tương kỵ ở đâu, dụng cụ chứa nên sử dụng, cơ chế của tương kỵ, cách bảo quản, thời gian sử dụng để tránh tương kỵ, biện pháp xử trí…
3. ĐỐI TƯỢNG
Bác sĩ:
- Lexicomp chứa các tài liệu y học, các hướng dẫn điều trị. Đặc biệt có các chuyên ngành như nhi, nha khoa…
- Các thông tin thuốc đầy đủ, có cung cấp liều lượng cân nhắc trên nhiều đối tượng đặc biệt như bệnh nhi, trẻ sơ sinh, người cao tuổi cũng như phụ nữ có thai và cho con bú, người thiếu cân, thừa cân, béo phì…
- Bác sĩ còn có thể tính toán liều dùng dựa trên từng đặc điểm của người bệnh. Ngoài ra, chuyên mục tra cứu các chỉ định Off-label kèm theo bằng chứng lâm sàng là một chuyên mục rất hữu ích trong việc lựa chọn thuốc điều trị theo kinh nghiệm cho bác sĩ.
Dược sĩ:
- Đây là một kho tàng thông tin chi tiết về thuốc gồm liều dùng, cách dùng, tương tác thuốc, tương kỵ, phản ứng có hại của thuốc, chống chỉ định.
- Ngoài ra, các chuyên mục về giáo dục người bệnh, giúp dược sĩ có thêm nhiều nguồn tham khảo trong việc giới thiệu thông tin thuốc đến có người bệnh.
- Các công cụ tính toán liều lượng, các hướng dẫn kê đơn
- Đặc biệt là công cụ Drugs ID hỗ trợ việc tìm kiếm thuốc qua mô tả của người bệnh giúp người dược sĩ tại nhà thuốc có thể tư vấn sử dụng thuốc tốt hơn cho bệnh nhân.
- Đối với người dược sĩ dược lâm sàng, việc tính toán về liều, các hướng dẫn điều trị, công cụ tra cứu tương tác thuốc… giúp cho việc giám sát kê đơn, giám sát hồ sơ bệnh án tốt hơn nhanh chóng hơn và chính xác hơn.
Điều dưỡng:
- Trong lexicomp có cung cấp công cụ tra cứu tương kỵ, tương hợp trong thuốc tiêm giúp điều dưỡng dễ dàng tra cứu, có hướng xử trí cũng như là tránh các tương kỵ xảy ra.
- Lexicomp còn cung cấp các quy tắc sử dụng thuốc trên người bệnh, giáo dục người bệnh, các hướng dẫn chăm sóc người bệnh…
Người bệnh:
- Có các chuyên mục giáo dục người bệnh đơn giản dễ hiểu trên các lứa tuổi và đối tượng khác nhau như Nhi, phụ nữ có thai, người cao tuổi…
- Lexi-patient Education còn có ngôn ngữ tiếng Việt.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.